PHƯƠNG PHÁP VIẾT MỞ ĐOẠN (3 phút)
*Mở đoạn trực tiếp: giới thiệu tác giả, tác phẩm+Trích đoạn thơ yêu cầu phân tích (Nếu có)
⇒ Vấn đề nghị luận và phạm vi phân tích. (Thường viết 1 câu)
⇒ Nhận xét: Cách viết này nhanh, đảm bảo đúng, đủ, nhưng không ấn tượng.
Mở đoạn gián tiếp: Dẫn dắt từ đề tài/phong cách sáng tác/nhận định/cảm nhận cá nhân… + Nêu vấn đề và phạm vi phân tích
Dưới đây là một số cách dẫn dắt nhanh:
Cách 1: Những năm tháng trôi đi và lịch sử không ngừng biến động nhưng tác phẩm … của nhà văn/nhà thơ .. mãi là bông hoa không tuổi tựa mùa xuân không ngày tháng sống trọn vẹn nơi trái tim độc giả hôm nay mai sau, đặc biệt ở đó xúc động nhất chính là những câu thơ ở khổ thơ…
Cách 2: Văn học như một thiên thần mang sứ mệnh che chở và bảo vệ con người. Trong tác phẩm …….., nhà văn/nhà thơ đã để ngòi bút của mình thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cao cả đó qua hình ảnh thơ vô cùng độc đáo trong khổ thơ: (Nếu phân tích cả bài thì bỏ chữ trong khổ thơ đi)
Ví dụ:
Văn học như một thiên thần mang sứ mệnh che chở và bảo vệ con người. Trong tác phẩm “Bài thơ yêu đời” của nhà thơ Nguyễn Hữu Bào đã để ngòi bút của mình thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cao cả đó qua những hình ảnh thơ vô cùng độc đáo.
PHƯƠNG PHÁP VIẾT THÂN ĐOẠN (30-35phút)
*Yêu cầu: Thân đoạn gồm nhiều câu văn, mỗi câu làm rõ một nội dung nhất định.
-Thân đoạn phải có hệ thống luận điểm rõ ràng, đầy đủ 2 luận điểm chính:
+LĐ 1: Phân tích (Bám sát vào bố cục, mỗi nội dung được chia trong bố cục ta căn cứ là một luận cứ để phân tích)
+LĐ 2: Đánh giá (1 đoạn văn)
-Luận điểm quan trọng nhất là luận điểm phân tích
*Cách viết:
Phương pháp viết LĐ 1: Phân tích giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong khổ thơ
– Nội dung: Phân tích nội dung chính, phân tích từng hình ảnh, chi tiết trong bài thơ (Nên phân tích từng câu, từng hình ảnh một theo thứ tự xuất hiện trong bài thơ để không bị xót ý)
– Nghệ thuật: Xác định những đặc sắc nghệ thuật của dẫn chứng đã phân tích, nêu tác dụng của từng biện pháp nghệ thuật xuất hiện trong bài (nên đưa ra những dẫn chứng cụ thể cho những đặc sắc nghệ thuật đó), đánh giá về thể thơ, hình ảnh thơ, nhịp điệu, các biện pháp tu từ, giọng điệu…
Công thức viết: dẫn + Trích thơ+ Nội dung và nghệ thuật |
Ví dụ: Khi viết đoạn văn phân tích hai khổ thơ trong bài “bài ca yêu đời” của Nguyễn Hữu Bào:
Đêm qua mưa thật là to
Trăng sao ướt hết tối mò buồn ghê
Sáng nay trời vội trở về
Chiếu muôn tia nắng trên đê trong làng
Bầy chim mừng rỡ hót vang
Vườn hoa trước ngõ bướm vàng nhởn nhơ.
⇒ Xác định nội dung chính: Miêu tả về khung cảnh thiên nhiên sau đêm mưa thiên nhiên bỗng trở nên rạng rỡ và đầy sức sống mãnh liệt. Qua đó gửi gắm triết lí về đời người trong cuộc sống.
⇒ Nghệ thuật: Nhân hoá, ẩn dụ, liệt kê, thể thơ lục bát…
⇒ Khi đọc những tiếng thơ nhẹ nhàng, bồng bềnh trong lời hát của Nguyễn Hữu Bào ta không chỉ thấy rõ đủ đầy tâm tư, tình cảm của thi sĩ hơn thế còn lâng lâng cảm xúc của mình trong dư vị thật ngọt ngào:
Đêm qua mưa thật là to
Trăng sao ướt hết tối mò buồn ghê
Sáng nay trời vội trở về
Chiếu muôn tia nắng trên đê trong làng
Bầy chim mừng rỡ hót vang
Vườn hoa trước ngõ bướm vàng nhởn nhơ.
Cánh cửa thi ca khẽ mở ra là khi ta bước vào thế giới bao la, say đắm vô cùng, hân hoan vô tận theo bước chân tác giả ngao du khắp nơi từ khoảnh khắc “đêm qua” đầy tăm tối lại buồn bã trong tiếng “mưa” rơi vang lên “thật to” xuyên qua không gian chạm vào tận lòng ta ào ào, dữ dội, đáng sợ biết bao. Có lẽ, với trái tim nhạy cảm trước sự sống, ánh mắt xanh non biêng biếc của đứa trẻ say mình cùng vạn vật, nhà thơ đã rung động thật tha thiết trước màn đêm huyền bí, trong khung cảnh “tối mò”, dò dẫn, cúi mình thật lâu tìm ánh sáng trên con đường quê mịt mờ, thăm thẳm, bao la bủa vây mà đến ngay cả “trăng sao” cũng “ướt hết” một hột sáng mong manh không còn, chẳng thể soi đường ta đi. Nhịp thơ thật đặc biệt, kết hợp cùng biện pháp nhân hoá trong thể thơ lục bát khiến bạn đọc chìm đắm trong âm hưởng da diết, thân thương, vô cùng đáng yêu, gần gũi “trăng” và “sao” ngấm giọt mưa long lanh, lạnh gía che mờ vầng sáng để người chẳng thấy rõ đường khiến cảnh tan tác dần mà trở lên ảm đạm nơi màn mưa. Để rồi, ta chỉ còn thấy vang lên giữa không gian của bài thơ âm điệu trách cứ nhẹ nhàng, man mát sau tiếng thở dài “buồn ghê” cũng khẽ thấm vào lòng ta cảm giác lành lạnh, cô đơn của bầu trời sau cơn mưa rào như trút nước ấy. Đến đây, chẳng phải chỉ nhờ những ngôn từ nhỏ bé, cất lên giữa không gian của làng quê yên bình ta bỗng chốc bước chân vào tâm hồn thi nhân mà cảm nhận rõ tình cảm tha thiết, mãnh liệt trước vạn vật hay sao? Thế nhưng, cái hay của câu thơ không chỉ ở nét tâm trạng có phần nũng nịu, hờn giận vô cùng đáng yêu mà sâu trong đó còn khiến người đọc rung rinh, bồng bềnh theo từng tiếng cười trong trẻo đầy lạc quan nơi bức tranh bình minh tươi mới khi “sáng nay” vạn vật thức dậy đã thấy “trời” tất tả, hối hả mà “vội” vã “trở về” cùng nhân gian làm khung cảnh thiên nhiên khoác lên màu áo rực rỡ, lung linh. Từ đó, kéo theo vạn vật thay sắc đổi màu cùng nhau hoan ca đắm say, ngọt ngào qua biện pháp liệt kê vào khoảnh khắc “muôn tia nắng” nhảy múa cười tươi e lệ nép “trên đê trong làng”, rộn rã “Bầy chim” giật mình bỗng cất tiếng “mừng rỡ hót vang”, để rồi kéo theo hoa lá cũng rộn ràng nghiêng mình khoa sắc mời gọi “bướm vàng nhởn nhơ”. Qua đó, nhà thơ muốn gửi gắm triết lí nhân sinh về đời người, ẩn dụ muộn thiên nhiên mà nói quy luật của cuộc đời hết mưa là nắng, hết khổ là vui…
Màu đỏ: dẫn, màu xanh lá: Nghệ thuật, Xanh lam: Nội dung, Vàng đậm: Trích thơ
Phương pháp viết luận điểm : Đánh giá
– Nội dung: Khẳng định nội dung chính mà đề bài yêu cầu làm rõ (vấn đề nghị luận).
– Nghệ thuật: Khẳng định những đặc sắc nghệ thuật của dẫn chứng đã phân tích (nên đưa ra những dẫn chứng cụ thể cho những đặc sắc nghệ thuật đó). Đánh giá về thể thơ, hình ảnh thơ, nhịp điệu, các biện pháp tu từ, giọng điệu…
Ví dụ: Đoạn đánh giá khi phân tích khổ thơ trong “bài thơ yêu đời”:
Đoạn thơ với chút tâm tình và niềm vui nơi bức tranh thiên nhiên được tác giả khắc hoạ với những đường nét tinh tế sống động giờ đây tràn ngập hạnh phúc qua biện pháp nhân hoá, liệt kê kết hợp với cảm nhận tinh tế trong việc huy động tất cả các giác quan cùng tụ hội, gom góp mở ra cánh cửa thiên nhiên vô cùng tươi trong, rạng rỡ như chính lòng người đang hân hoan, mê say vậy.
(Màu đỏ: Nội dung, màu vàng: Nghệ thuật, màu xanh: Nhận xét)
(Cách phân tích nội dung và nghệ thuật tương tự phần bài văn các em xem lại nếu cần ở phần trên nhé!)
PHƯƠNG PHÁP VIẾT KẾT ĐOẠN (3 phút)
*Yêu cầu: Kết đoạn = Tổng kết lại vấn đề nghị luận và phạm vi phân tích + Liên hệ, mở rộng
⇒ Là phần sáng tạo linh hoạt.
– Cách 1: Đọc những trang thơ ấy, ta lại càng thêm trân quý tình cảm/tấm lòng/tài năng của một cây bút xuất sắc viết về + tên đề tài, góp phần làm nên diện mạo nền văn học Việt Nam phong phú, độc đáo, ấn tượng.
– Cách 2: Mỗi áng thơ là một dòng thác chảy nhẹ nhàng, len lỏi vào từng ngách nhỏ trong tim ta ấm nồng những giá trị nhân văn cao đẹp của đời, nếu đúng như thế, thì tác phấm A của nhà thơ B sẽ mãi là một suối nguồn thiêng liêng, cao lớn được lưu lại mãi mãi trong lòng người đọc bao thế hệ và sống cùng dòng văn học Việt Nam muôn đời mà ta không thể nào quên trong hành trình cuộc đời chính mình hôm nay, mai sau…
Ví dụ: Mỗi áng thơ là một dòng thác chảy nhẹ nhàng, len lỏi vào từng ngách nhỏ trong tim ta ấm nồng những giá trị nhân văn cao đẹp của đời, nếu đúng như thế, thì tác phẩm “Bài thơ yêu đời” của nhà thơ Nguyễn Hữu Bào sẽ mãi là một suối nguồn thiêng liêng, cao lớn được lưu lại mãi mãi trong lòng người đọc bao thế hệ và sống cùng dòng văn học Việt Nam muôn đời mà ta không thể nào quên trong hành trình cuộc đời chính mình hôm nay, mai sau…
Một số cách nối câu hay và độc đáo
*Ví dụ: Khi phân tích khổ đầu trong tác phẩm “Bài thơ yêu đời”
Cách dẫn | Ví dụ |
Cách 1: Cứ thế con chữ dẫn hiện lên theo gánh suy tư của tác giả về…(Hình ảnh/ tâm trạng/ ý thơ/…) | Cứ thế con chữ dẫn hiện lên theo gánh suy tư của tác giả về hình ảnh thiên nhiên khi ta bước vào thế giới bao la, say đắm vô cùng, hân hoan vô tận theo bước chân tác giả ngao du khắp nơi từ khoảnh khắc “đêm qua” đầy tăm tối lại buồn bã trong tiếng “mưa” rơi vang lên “thật to” xuyên qua không gian chạm vào tận lòng ta ào ào, dữ dội, đáng sợ biết bao. |
Cách 2: Gieo từng bước chân vào trang viết của mỗi thi nhân, ta lại thấy thấm đượm một câu chuyện gần gũi mà sâu sắc, phải chăng đây là lí do mà tác giả đã….(Hình ảnh/ tâm trạng/ ý thơ/…) | Gieo từng bước chân vào trang viết của mỗi thi nhân, ta lại thấy thấm đượm một câu chuyện gần gũi mà sâu sắc, phải chăng đây là lí do mà tác giả đã vẽ ra khung cảnh màn đêm huyền bí, trong khung cảnh “tối mò”, dò dẫn, cúi mình thật lâu tìm ánh sáng trên con đường quê mịt mờ, thăm thẳm, bao la bủa vây mà đến ngay cả “trăng sao” cũng “ướt hết” một hột sáng mong manh không còn, chẳng thể soi đường ta đi. |
Cách 3: Trang nghệ thuật kia lại tiếp tục được nối dài khi nhà văn khắc hoạ về… | Trang nghệ thuật kia lại tiếp tục được nối dài khi nhà văn khắc hoạ về không gian của bài thơ âm điệu trách cứ nhẹ nhàng, man mát sau tiếng thở dài “buồn ghê” cũng khẽ thấm vào lòng ta cảm giác lành lạnh, cô đơn của bầu trời sau cơn mưa rào như trút nước ấy |
Cách 4: Nối tiếp dòng cảm xúc ấy ta thấy rằng… | Nối tiếp dòng cảm xúc ấy ta thấy rằng nhà thơ đã sử dụng biện pháp ẩn dụ để biến hạt mưa trên bầu trời, thành “giọt sầu” buồn vương lại, níu chặt vào tâm hồn con người chẳng rời xa. Để rồi, khi nỗi buồn đã “thật đầy”, chật đến nỗi nhà thơ chẳng thể lưu lại, ôm lấy mà ngân nga trong cô đơn, một mình, chính vì vậy ông để nó tràn ra ngoài qua những vần thơ một cách thật tự nhiên trong bóng dáng “lặng lẽ”, trầm ngâm khắc hạo lại “cơn mưa” |