SỞ GD&ĐT TUYÊN QUANG
KỲ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2025 – LẦN 3
ĐỀ CHÍNH THỨC
Bài thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản:
CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ (Trích)
Trong số rất nhiều thách thức đa dạng và thú vị mà ngày nay chúng ta phải đối diện, điều cấp bách và quan trọng nhất là làm sao phải hiểu và định hình cuộc cách mạng công nghệ mới, điều chắc chắn sẽ thay đổi toàn diện bộ mặt của nhân loại. Chúng ta đang ở thời điểm khởi đầu của một cuộc cách mạng sẽ thay đổi sâu sắc cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau. Xét về quy mô, tầm vóc và độ phức tạp, hiện tượng mà tôi coi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này không giống bất kỳ điều gì mà nhân loại từng trải qua.
Đến nay chúng ta vẫn chưa hình dung được đầy đủ tốc độ và phạm vi của cuộc cách mạng mới này. Hãy nghĩ đến vô số khả năng cho phép hàng tỷ con người kết nối với nhau bằng thiết bị di động, tạo nên sức mạnh xử lý, năng lực lưu trữ và cơ hội tiếp cận tri thức chưa từng có. Hoặc đến sự hợp lưu đáng kinh ngạc như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ robot, internet kết nối vạn vật, xe tự hành, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tính toán lượng tử, và còn nhiều nữa… Nhiều sáng kiến vẫn còn sơ khai, nhưng chúng đã đến bước ngoặt trong quá trình phát triển nhờ dựa vào nhau và khuếch đại lẫn nhau trong một sự giao thoa công nghệ trên cả thế giới vật chất, thế giới số, lẫn thế giới sinh học.
(Theo Klaus Schwab, dịch giả Đồng Bích Ngọc, Nguyễn Thị Mỹ Anh, NXB Thế giới, 2018, tr.11)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định thông tin chính của văn bản.
Câu 2. Văn bản trên sử dụng dữ liệu sơ cấp hay thứ cấp?
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê được sử dụng trong câu văn in đậm.
Câu 4. Nhận xét về thái độ, quan điểm của người viết văn bản.
Câu 5. Văn bản trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về ý nghĩa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước? (Trình bày 5 đến 7 dòng).
II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ kết quả đọc hiểu văn bản trên kết hợp với trải nghiệm cá nhân, anh/chị hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải thích ứng với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay.
Câu 2. (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) so sánh, đánh giá hai văn bản thơ sau:
Sang mùa
Cánh chim báo sang mùa
Nắng hoai hoai cuối hạ
Mầu mây non lá mạ
Gió trên cành hiu hiuChừng như thu ngấp nghé
Trong hương cốm đầu đậy
Khói lam chiều rất nhẹ
Sông vừa vơi vừa đầyPhút giây chuyển sang mùa
Nghe vô cùng huyền diệu
Không thừa và không thiếu
Tay thiên nhiên đặt bày(Trích Sang mùa, Tạ Hữu Yên¹, Thơ Việt Nam thế kỉ XX, NXB Giáo dục, 2005, tr. 915)
Vườn thu
Một ban mai bỗng thơm gió hanh về
Tiếng lá rụng ngoài vườn cây xào xạc
Em mở cửa, hương lúa vào man mác
Anh bàng hoàng tỉnh dậy: đã vào thuThời gian đi êm nhẹ tựa lời ru
Em lặng lẽ tháng ngày như thế đó
Anh thương lắm đôi bàn tay nho nhỏ
Đã làm nên bao chuyện lạ trên đời.Mảnh đất em chăm nên nụ nên chồi
Ong hút mật rù rì chiều nắng biếc
Hoa thức suốt đêm dài không mỏi mệt
Chợt thu về chín ngọt một mùa hương.(Trích Vườn thu, Võ Văn Trực², Thơ Việt Nam thế kỉ XX, NXB Giáo dục, 2005, tr. 835)
Chú thích:
¹ Tạ Hữu Yên (1927 – 2013), quê ở Ninh Bình. Ông là tác giả của nhiều bài thơ được phổ nhạc, tiêu biểu như Đất nước, Đôi dép Bác Hồ, Cảm xúc tháng Mười,… Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017.
² Võ Văn Trực (1936 – 2019), quê ở Nghệ An. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông viết nhiều thể loại và thi ca là lĩnh vực tiêu biểu nhất; một số tập thơ đặc sắc: Hành khúc mùa xuân (1980), Trăng phủ sa (1983), Tiếng ru đồng nội (1990),…
HƯỚNG DẪN CHẤM