Phần I. Đọc hiểu
GỬI MẸ
Hôm nọ gặp người làng ta ở xuôi
Hỏi thăm tin nhà tin mẹ
Mẹ hiểu câu “Kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi”
Những đêm gió mưa dữ dội
Vẫn thắp hương cầu trời phù hộ bước con đi
Lúc thơ ngây con từng nghe kể
Từ tuổi lấy chồng mẹ ít khi vui
Ngày đưa thầy về nơi yên nghỉ
Lá mùa đông rơi xuống đầy vai
Con mang tấm lòng thương mẹ
Đi qua nghìn dặm quê hương
Này đây núi, này đây sông
Này đây buổi chiều khói thổi cơm lặng lẽ
Nơi nào cũng hiền như đời của mẹ
Làng ở đây như làng dưới ta
Cũng có giếng nước
Cũng có gốc đa
Cũng có con trai xa nhà
Yên tâm mẹ nhé
Con đi mười năm
Con đi bảo vệ
Niềm vui của mẹ
Và của quê hương
Một ngọn khói thổi cơm
Một mái nhà bình yên bếp lửa
Tiếng võng đung đưa trưa hè tuổi nhỏ.
Chú thích:
– Chính Hữu (15/12/1926 – 27/11/2007), tên khai sinh là Trần Đình Đắc, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, là nhà thơ quân đội thực thụ cả ở phía tác giả lẫn tác phẩm. Thơ Chính Hữu thể hiện một cá tính trầm lặng nhưng cả nghĩ và dào dạt yêu thương, trong lòng luôn luôn có sự khắc khoải về trách nhiệm trước những nỗi gian lao của đồng bào, đồng chí. Anh hay nghiêng về những hy sinh xót xa, với sự chân thành cảm phục biết ơn và rất nhiều tự vấn về trách nhiệm mình.
– Bài thơ được viết vào tháng 12 năm 1950 tại chiến khu Việt Bắc, sau đại hội toàn quân, in trong tập thơ “Đầu súng trăng treo” (1966).
Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản. Xác định những đặc điểm của thể thơ đó chữ được thể hiện trong VB.
Câu 2: Xác định bố cục của bài thơ và nêu nội dung của từng phần?
Câu 3: Xác định mạch cảm xúc của người viết thể hiện qua các khổ thơ và cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
Câu 4: Nêu chủ đề và thông điệp của bài thơ.
Câu 5: Hình ảnh người mẹ trong bài thơ được khắc họa qua những chi tiết nào? Em cảm nhận được gì về người mẹ?
Câu 6: Em hãy giải thích ý nghĩa của câu thơ: “Nơi nào cũng hiền như đời của mẹ”.
Câu 7: Nêu tác dụng biện pháp tu từ ẩn dụ được sử dụng trong câu thơ sau: “Một mái nhà bình yên bếp lửa”
Câu 8: Trong bài thơ Gửi mẹ, người con bày tỏ tình yêu thương sâu sắc và lòng biết ơn đối với mẹ, dù đang ở nơi xa xôi nhưng luôn hướng về mẹ với niềm thương nhớ và sự kính trọng. Điều này gợi nhắc chúng ta về vai trò quan trọng của cha mẹ trong cuộc đời mỗi người. Theo em, mình nên thể hiện trách nhiệm với cha mẹ như thế nào trong cuộc sống hiện tại?
- PHẦN VIẾT
Câu 1: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích 12 câu thơ đầu của văn bản Gửi mẹ được trích trong phần đọc hiểu.
Câu 2
Dẫu bây giờ cha mẹ – đôi khi,
Có nặng nhẹ yêu thương và giận dỗi
Có roi vọt khi con hư và và dối
Thương yêu con đâu đồng nghĩa với chiều.
Vì thương yêu và kì vọng về con nên có những lúc cha mẹ nặng nhẹ, giận dỗi, roi vọt. Nhưng đôi khi những kì vọng của cha mẹ lại không phải là những điều mong muốn của con. Vậy, làm thế nào để dung hòa mong muốn của bản thân và sự kì vọng của cha mẹ? Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày ý kiến của em về điều đó.
ĐÁP ÁN
Câu | Yêu cầu cần đạt |
PHẦN ĐỌC HIỂU | |
1 | – Thể thơ: Thơ tự do.
– Đặc điểm của thể thơ tự do được thể hiện trong bài thơ: + Không bị giới hạn bởi số chữ trong mỗi câu, có câu dài, câu ngắn đan xen nhau, tạo sự linh hoạt và tự nhiên. + Nhịp điệu thơ uyển chuyển, tự do theo mạch cảm xúc, không có quy tắc chặt chẽ về vần hay nhịp. + Câu thơ giàu cảm xúc, lời thơ giản dị, gần gũi, phù hợp với tâm tình, tự sự của người con gửi đến mẹ. |
2 |
– Bố cục: 3 phần
+ Phần 1: (Từ đầu đến “phù hộ bước con đi”) -> Tình cảm yêu thương và sự biết ơn của người con với mẹ trong bối cảnh kháng chiến. + Phần 2: (Tiếp đến “Này đây buổi chiều khói thổi cơm lặng lẽ”) -> Nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ và hình ảnh bình dị của cuộc sống nơi quê nhà. + Phần 3: (Phần còn lại) -> Lòng tự hào và quyết tâm bảo vệ quê hương, bảo vệ niềm vui và hạnh phúc của mẹ. |
3 |
– Mach cảm xúc: Bài thơ bắt đầu từ nỗi nhớ mẹ, tiếp đó là sự hồi tưởng về cuộc sống gia đình và quê hương, cuối cùng là sự hứa hẹn và quyết tâm của người con trong hành trình bảo vệ đất nước.
– Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là niềm xúc động sâu sắc về tình mẫu tử và tình yêu quê hương. Người con dù đi xa nhưng luôn hướng về mẹ, nhớ về tình yêu gia đình và quê hương. |
4 | – Chủ đề: tình yêu thương sâu sắc và lòng biết ơn của người con đối với mẹ
– Thông điệp: Hãy trân trọng và yêu thương gia đình, đặc biệt là mẹ, đồng thời ý thức được trách nhiệm bảo vệ quê hương và đất nước trong mọi hoàn cảnh. |
5 | Hình ảnh người mẹ trong bài thơ được khắc họa qua những chi tiết:
+ “Những đêm gió mưa dữ dội / Vẫn thắp hương cầu trời phù hộ bước con đi” + “Từ tuổi lấy chồng mẹ ít khi vui” + “Ngày đưa thầy về nơi yên nghỉ” Người mẹ hiện lên là một người phụ nữ tần tảo, chịu nhiều gian truân, khó nhọc trong cuộc sống, luôn lo lắng cho con dù thời tiết có khắc nghiệt, hay cuộc sống có khó khăn. Mẹ không chỉ yêu thương mà còn hy sinh vì gia đình và con cái. Hình ảnh mẹ là hiện thân của sự hiền hậu, nhẫn nại, và tình yêu thương vô bờ bến. |
6 | Câu thơ “Nơi nào cũng hiền như đời của mẹ” thể hiện tình cảm yêu thương, tôn kính của người con dành cho mẹ. “Đời của mẹ” là biểu tượng của sự hiền hòa, dịu dàng, luôn nhẫn nại và chịu đựng. Dù ở bất cứ đâu, người con cũng cảm nhận được sự bình yên và ấm áp, giống như khi ở bên cạnh mẹ. Câu thơ mang đến thông điệp về tình mẫu tử thiêng liêng và sự gắn kết tình cảm gia đình sâu sắc. |
7 |
– BPTT ẩn dụ: “mái nhà bình yên” và “bếp lửa”
– Tác dụng: Hình ảnh “mái nhà bình yên” và “bếp lửa” là những ẩn dụ tượng trưng cho sự ấm áp, hạnh phúc gia đình và tình yêu thương của mẹ. Chúng không chỉ miêu tả nơi chốn vật lý, mà còn gợi lên cảm giác bình yên, an toàn và sự chở che của gia đình, qua đó làm nổi bật tình cảm yêu thương sâu sắc của người con dành cho mẹ và gia đình. |
8 | * Về hình thức:
– Học sinh nên diễn đạt câu hỏi này thành đoạn văn ngắn. – Nếu diễn đạt thành đoạn văn, nhớ dùng cấu trúc DIỄN DỊCH hoặc QUY NẠP để ý chính của đoạn được thể hiện rõ ở đầu/cuối đoạn văn. * Nội dung chính cần đạt: – Trong bài thơ Gửi mẹ, người con bày tỏ tình yêu thương sâu sắc và lòng biết ơn đối với mẹ, dù đang ở nơi xa xôi nhưng luôn hướng về mẹ với niềm thương nhớ và sự kính trọng. Điều này gợi nhắc chúng ta về vai trò quan trọng của cha mẹ trong cuộc đời mỗi người. Vì vậy, mỗi người cần có trách nhiệm với cha mẹ như trong cuộc sống hiện tại bằng những hành động cụ thể như quan tâm, giúp đỡ cha mẹ trong công việc hàng ngày và chăm sóc khi cha mẹ già yếu. Đồng thời, em cũng ý thức rằng mình cần cố gắng học tập và rèn luyện tốt để cha mẹ yên tâm và tự hào về con cái. – Nếu chúng ta quan tâm, yêu thương cha mẹ sẽ mang lại cho họ niềm vui, sự an tâm, và cảm nhận được tình cảm gắn kết gia đình bền chặt. Cha mẹ sẽ cảm thấy hạnh phúc vì con cái biết đền đáp và chia sẻ. – Ngược lại, nếu không có trách nhiệm, cha mẹ có thể cảm thấy cô đơn, buồn tủi và lo lắng cho tương lai của con cái, đồng thời chúng ta sẽ mất đi cơ hội trân trọng những điều tốt đẹp từ cha mẹ khi còn có thể.
|
PHẦN VIẾT | |
1 | 1. Hình thức:
– Cấu trúc đoạn văn Nhớ dùng cấu trúc DIỄN DỊCH, T – P – H hoặc QUY NẠP để ý chính của đoạn được thể hiện rõ ở đầu/cuối đoạn văn. 2. Nội dung cần đạt: * Mở đoạn: Trong bài thơ “Gửi mẹ”, mười hai dòng thơ đầu chính là những câu thơ đặc sắc và giàu ý nghĩa, gợi nhiều suy ngẫm cho độc giả. * Thân đoạn: – Đề tài: Tình cảm gia đình, cụ thể là tình mẫu tử trong hoàn cảnh chiến tranh. – Chủ đề: Bài thơ thể hiện tình yêu thương, lòng biết ơn của người con đối với mẹ, đồng thời gợi lên sự hy sinh thầm lặng của người mẹ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến. – Mạch cảm xúc: Bắt đầu bằng nỗi nhớ nhung, bâng khuâng của người con khi hỏi thăm tin mẹ qua người làng. Tiếp đó, hình ảnh mẹ hiện lên kiên cường, thầm lặng lo lắng cho con trong những đêm mưa gió. Cuối cùng, người con hồi tưởng về những nỗi buồn của mẹ từ khi lấy chồng và nỗi đau mất cha, thể hiện sự thấu hiểu và trân trọng những hy sinh thầm lặng của mẹ. – Cảm hứng chủ đạo: trân trọng, thấu hiểu, biết ơn của người con đối với những hi sinh và tình yêu bao la của mẹ. – Những hình ảnh độc đáo: + “Những đêm gió mưa dữ dội”, “lá mùa đông rơi xuống đầy vai”: Hình ảnh gợi lên sự vất vả, gian khó của mẹ trong cuộc sống. + “Này đây núi, này đây sông, này đây buổi chiều khói thổi cơm lặng lẽ”: Gợi lên hình ảnh quê hương thân thuộc, bình dị, nơi có những kỷ niệm gắn liền với mẹ. + “Một ngọn khói thổi cơm, một mái nhà bình yên bếp lửa”: Hình ảnh tượng trưng cho sự ấm áp, yên bình của gia đình, cũng là mục tiêu mà người con chiến đấu để bảo vệ. => Đoạn thơ có câu dài, câu ngắn xen kẽ, tạo nên nhịp điệu linh hoạt, tự nhiên, phù hợp với dòng cảm xúc tuôn trào của người con. – Sử dụng biện pháp tu từ: + Điệp ngữ: “Này đây” lặp lại nhiều lần, nhấn mạnh sự gắn bó của người con với quê hương và mẹ. + Ẩn dụ: “Một ngọn khói thổi cơm”, “một mái nhà bình yên bếp lửa” tượng trưng cho hạnh phúc gia đình giản dị, nơi mẹ giữ gìn. => Các biện pháp tu từ này giúp tạo nên sự sâu lắng, nhấn mạnh vào tình yêu thương gia đình và sự thiêng liêng của tình mẫu tử. – Các yếu tố nghệ thuật khác: thể thơ, giọng điệu? + Thể thơ: Thơ tự do, không bị giới hạn bởi số câu hay số chữ, giúp tác giả dễ dàng bộc lộ cảm xúc một cách tự nhiên. + Giọng điệu: Giọng điệu trữ tình, sâu lắng, có lúc ngọt ngào, có lúc trầm tư, phù hợp với chủ đề về tình mẹ và quê hương. – Tư tưởng: Nhà thơ muốn nhắn gửi tình cảm tri ân sâu sắc đối với những người mẹ, đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng của họ trong thời kỳ chiến tranh. Tác giả cũng bày tỏ niềm tin vào kháng chiến, vào một tương lai hòa bình để bảo vệ những giá trị gia đình. * Kết đoạn: Qua bài thơ, tác giả nhắc nhở chúng ta hãy luôn trân trọng tình cảm gia đình, đặc biệt là tình mẫu tử. Dù cuộc sống có khó khăn, tình yêu của mẹ vẫn luôn là điểm tựa vững chắc cho mỗi người. |
2 | 1. Về hình thức:
– Chú ý cấu trúc bài văn đủ 3 phần MỞ – THÂN – KẾT Thân bài cần có sự phân chia bố cục mạch lạc mỗi ý lớn có thể xây dựng thành một đoạn văn 2. Nội dung cần đạt: a. Mở bài: – Dẫn dắt từ câu thơ: “Dẫu bây giờ cha mẹ – đôi khi, có nặng nhẹ yêu thương và giận dỗi, có roi vọt khi con hư và dối.” – Đặt vấn đề: Sự kỳ vọng của cha mẹ và mong muốn của con cái đôi khi không trùng khớp. Câu hỏi đặt ra là làm sao để dung hòa giữa hai điều này trong mối quan hệ gia đình? b. Thân bài * Giải thích vấn đề: – Cha mẹ thường kỳ vọng con cái học hành giỏi giang, thành đạt, và sống đúng đắn vì tình yêu thương và trách nhiệm. – Con cái cũng có những mong muốn và sở thích riêng, đôi khi khác biệt với kỳ vọng của cha mẹ. – Xung đột giữa mong muốn của con cái và kỳ vọng của cha mẹ là điều tự nhiên trong mối quan hệ gia đình. * Nguyên nhân của sự khác biệt giữa mong muốn và kỳ vọng: – Từ phía cha mẹ: + Cha mẹ có kinh nghiệm sống, nhận thức rõ ràng hơn về những thách thức trong cuộc sống, từ đó đặt ra kỳ vọng nhằm hướng con cái đến con đường tốt đẹp. + Sự khác biệt về thế hệ dẫn đến khoảng cách trong tư duy, sở thích, và lựa chọn của cha mẹ và con. – Từ phía con cái: + Con cái thường có cá tính riêng, mong muốn tự lập và theo đuổi đam mê cá nhân, đôi khi không trùng khớp với kỳ vọng của cha mẹ. + Sự khác biệt trong suy nghĩ về định hướng tương lai, cách tiếp cận cuộc sống. * Biện pháp dung hòa mong muốn và kỳ vọng: – Hiểu và lắng nghe: + Cả cha mẹ và con cái cần học cách lắng nghe nhau. Con cái nên lắng nghe ý kiến của cha mẹ, từ đó hiểu lý do đằng sau kỳ vọng của họ. + Cha mẹ cũng cần thấu hiểu mong muốn, đam mê của con để có cách hỗ trợ phù hợp. – Trao đổi và thương lượng: + Thảo luận cởi mở, không nên áp đặt hoặc phản ứng tiêu cực. Cha mẹ và con cái có thể tìm ra giải pháp chung để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ mà vẫn tôn trọng mong muốn cá nhân của con. – Tạo dựng niềm tin: + Con cái cần chứng minh cho cha mẹ thấy mình có khả năng tự chịu trách nhiệm cho những quyết định của bản thân, để cha mẹ tin tưởng hơn vào lựa chọn của con. – Tôn trọng lẫn nhau: + Cả hai bên cần tôn trọng sự khác biệt và quyền được lựa chọn của nhau. Việc tôn trọng sẽ tạo không gian để mối quan hệ phát triển lành mạnh. * Ý nghĩa của sự dung hòa: – Giúp gia đình trở nên hạnh phúc, tránh được những mâu thuẫn không đáng có. – Con cái có thể phát triển tự do trong sự định hướng của cha mẹ, đồng thời cảm nhận được tình yêu và sự ủng hộ. -Cha mẹ cũng cảm thấy yên tâm hơn khi con cái có những quyết định chín chắn và trưởng thành. III. Kết bài: – Khẳng định lại tầm quan trọng của việc dung hòa giữa mong muốn cá nhân và kỳ vọng của cha mẹ. – Lời khuyên: Sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau là chìa khóa để duy trì mối quan hệ gia đình hòa thuận, giúp cả cha mẹ và con cái cùng tiến bộ. * Bài văn tham khảo: Trong cuộc sống, cha mẹ và con cái thường có những mâu thuẫn, những khác biệt trong mong muốn và kỳ vọng. Như câu thơ đã nói: “Dẫu bây giờ cha mẹ – đôi khi, có nặng nhẹ yêu thương và giận dỗi, có roi vọt khi con hư và dối.” Điều này gợi ra một thực tế rằng sự kỳ vọng của cha mẹ và mong muốn của con cái không phải lúc nào cũng trùng khớp. Vậy làm sao để dung hòa giữa hai điều này trong mối quan hệ gia đình? Trước hết, cần hiểu rằng kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái thường xuất phát từ tình yêu thương và trách nhiệm. Họ mong muốn con cái học hành giỏi giang, thành đạt, sống đúng đắn. Tuy nhiên, con cái cũng có những ước mơ, sở thích riêng, đôi khi khác biệt hoàn toàn với những kỳ vọng đó. Xung đột giữa mong muốn của con cái và kỳ vọng của cha mẹ là điều tự nhiên và thường thấy trong gia đình. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này. Từ phía cha mẹ, kinh nghiệm sống và những thách thức trong cuộc đời khiến họ hình thành những kỳ vọng cụ thể cho con cái. Đồng thời, sự khác biệt về thế hệ cũng tạo ra khoảng cách trong tư duy và lựa chọn giữa cha mẹ và con. Còn từ phía con cái, họ có cá tính riêng, mong muốn tự lập và theo đuổi đam mê, đôi khi không trùng khớp với định hướng của cha mẹ. Để dung hòa những khác biệt này, cần có sự hiểu và lắng nghe lẫn nhau. Con cái cần hiểu lý do đằng sau những kỳ vọng của cha mẹ, trong khi cha mẹ cũng cần thấu hiểu mong muốn và đam mê của con. Việc trao đổi, thảo luận cởi mở mà không áp đặt là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp cả hai bên tìm ra giải pháp chung, vừa đáp ứng được kỳ vọng mà vẫn tôn trọng mong muốn cá nhân. Sự tôn trọng lẫn nhau cũng đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ gia đình. Cả cha mẹ và con cái cần tôn trọng sự khác biệt và quyền được lựa chọn của nhau. Khi có sự tôn trọng, không gian cho mối quan hệ sẽ trở nên lành mạnh hơn, giúp gia đình trở nên hạnh phúc và tránh được những mâu thuẫn không cần thiết. Tóm lại, sự dung hòa giữa mong muốn cá nhân và kỳ vọng của cha mẹ là rất cần thiết. Thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau chính là chìa khóa để duy trì mối quan hệ gia đình hòa thuận, giúp cả cha mẹ và con cái cùng tiến bộ và phát triển. |