KỲ THI THỬ TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
KHÔNG CÓ GÌ TỰ ĐẾN ĐÂU CON
Không có gì tự đến đâu con
Quả muốn ngọt phải tháng ngày tích nhựa
Hoa sẽ thơm khi trải qua nắng lửa
Mùa bội thu phải một nắng hai sương.
Không có gì tự đến, dẫu bình thường
Phải bằng cả đôi tay và nghị lực
Như con chim suốt ngày chọn hạt
Năm tháng bao dung khắc nghiệt lạ kỳ.
Dẫu bây giờ bố mẹ đôi khi
Có nặng nhẹ yêu thương và giận dỗi
Có roi vọt khi con hư và dối
Thương yêu con đâu đồng nghĩa với chiều.
Đường con đi dài rộng rất nhiều
Năm tháng nụ xanh giữ cây vươn thẳng
Trời xanh đấy nhưng chẳng bao giờ lặng
Chỉ có con mới nâng nổi chính mình
Chẳng có gì tự đến – Hãy đinh ninh.
(Nguyễn Đăng Tấn, Không có gì tự đến đâu con, trích tập thơ Lời ru Vầng trăng, NXB Hội Nhà văn, 2000).
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm): Chỉ ra dấu hiệu hình thức để xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2 (1,0 điểm): Việc tác giả sử dụng hình thức lời tâm sự của người cha với con trong văn bản có hiệu quả gì?
Câu 3 (0,5 điểm): Tìm và giải nghĩa một thành ngữ được sử dụng trong văn bản.
Câu 4 (1,0 điểm): Nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng ở hai khổ thơ đầu của văn bản.
Câu 5 (1,0 điểm): Em có suy nghĩ gì về lời nhắn nhủ của người cha trong hai câu thơ:
Quá muốn ngọt phải tháng ngày tích nhựa
Hoa sẽ thơm khi trải qua nắng lửa.
II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm):
Câu 1 (2,0 điểm): Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích chín dòng thơ cuối của văn bản Không có gì tự đến đâu con được trích trong phần đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm): Trong bài thơ, người cha nhắn nhủ:
Chỉ có con mới nâng nổi chính mình, hướng con đến cách sống tự lập. Nhưng trong thực tế, nhiều người trẻ tuổi nay nay lại có thói quen sống ỷ lại, dựa dẫm. Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng sống ỷ lại, dựa dẫm của một số người trẻ tuổi và đưa ra cách khắc phục.
Lưu ý:
Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
HƯỚNG DẪN CHẤM