KĨ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN PHÂN TÍCH CHỦ ĐỀ TRONG MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC
➢ Muốn viết được dạng bài này, hs phải hiểu:
Đề tài là gì? Chủ đề là gì? Thông điệp là gì?
Đề tài là khái niệm dùng để chỉ loại các hiện tượng đời sống được miêu tả, còn chủ đề là những vấn đề cơ bản, vấn đề trung tâm được đặt ra trong tác phẩm văn học. Thông điệp là ý tưởng chính mà thông qua tác phẩm, tác giả muốn gửi đến người đọc (có thể là một bài học nào đó trong cuộc sống)
Mỗi một tác phẩm có thể chứa đựng nhiều chủ đề. Mỗi khía cạnh của chủ đề lại gợi ra một ý nghĩa, thông điệp khác nhau.
➢ Để bắt đầu cho việc chuẩn bị viết học sinh cần:
Đặt câu hỏi: Chủ đề chính của tác phẩm là gì? Chủ đề ấy được thể hiện như thế nào trong tác phẩm (qua nhân vật, hình ảnh, sự việc, cốt truyện…) và gợi ra những suy nghĩ gì, tình cảm gì ở người đọc?.
➢ Tiến trình các bước thực hiện đoạn viết:
Bước 1: HS nhận biết được chủ đề và gọi tên chủ đề. Bước 2: Chỉ ra một vài căn cứ để xác định chủ đề.
Bước 3: Phân tích làm rõ chủ đề.
Bước 4: Khái quát được giá trị, ý nghĩa của chủ đề.
➢ Ví dụ: Em hãy viết đoạn văn phân tích chủ đề của truyện Bồng chanh đỏ của tác giả Đỗ Chu.
- GV cung cấp văn bản và HS cần đọc kĩ văn bản để xác định đúng chủ đề của truyện
Bồng chanh đỏ.
Ở Bình Ðịnh, bồng chanh có nghĩa là hay xía vô chuyện người khác, xía cách hiền lành, vô tư. “Làng tôi” trong bài ký sau đây là một làng ngoài Bắc. Cái con chim bồng chanh “mình đỏ như lửa lúc nào cũng lim dim đôi mắt đậu trên một cọng sen khô” trong đầm sen cạnh làng, con chim ấy qua lời Ðỗ Chu chẳng hề bồng chanh Bình Ðịnh một chút nào. Tên nó thế, không biết có phải vì quanh nơi nó đậu từ bồng chanh mang một nghĩa khác? Dù sao, đó là một con chim thật ngộ. Ước gì có dịp ghé “làng tôi” thăm nó.
(Thu Tứ)
Đỗ Chu, “Bồng chanh đỏ”
“… Vợ chồng đôi bồng chanh đỏ năm nay đã về làm tổ ở chỗ gốc vối chưa, anh tin là thể nào nó cũng quay lại đầm nước làng mình. Nó bỏ làm sao được cái đầm sen đẹp như vậy,
phải không em (…) Trong cánh rừng bọn anh đóng quân có rất nhiều giống chim lạ, nhưng bồng chanh đỏ thì anh chưa hề gặp (…)”.
(…) Tôi có cảm tưởng chỉ ở đầm nước làng tôi mới có bồng chanh đỏ (…) Con chim ấy thường đậu trên một cọng sen khô ven đầm. Trông nó thật rực rỡ. Cái mỏ nhọn hoắt và oai vệ, dài như một cái quản bút. Lông ức hung hung vàng, còn thì toàn thân đỏ hồng như một đốm lửa. Chao ôi, đã bao nhiêu lần anh em tôi đứng trên bờ đầm ngắm nhìn không mỏi mắt bộ cánh rất đẹp của nó. Ðừng bao giờ bạn tưởng nó đang ngủ gật nhé, cứ lim dim mắt và đậu lì một chỗ như thế đấy, nhưng chỉ cần một hòn sỏi nhỏ rơi xuống nước là lập tức cái đầu tinh khôn của nó nghểnh cao lên ngay. Lúc đó, bạn sẽ thấy nó láu lỉnh một cách lạ lùng. Chính tôi đã phải thất vọng vì không sao lại gần nó được (…) Hãy thử bước thêm lên một bước. Một bước nữa. Thế là rõ rồi, nó vờ ngủ đấy thôi. Nó chẳng bỏ qua một hành động nhỏ nào của ta hết. Cái đầu ranh mãnh của nó lại đang nghiêng nghiêng ngó ngó kia rồi. Chỉ cần ta tiến lên một bước nữa hoặc vung tay một cái là nó sẽ bay vụt đi ngay.
Tôi không còn nhớ chính xác vào khoảng thời gian nào mình đã gặp bồng chanh lần đầu tiên trong đời (…) Dạo ấy tôi còn là một thằng bé con, thường theo anh ra ngoài đầm nước sau làng để anh dạy bơi (…) chính anh đã chỉ cho tôi nhìn thấy nó.
– Một con chim màu đỏ, mày không nhìn thấy sao. Hãy nhìn thật kỹ, nó rất dễ lẫn với hoa sen.
Rồi biết tôi có nhìn lâu hơn nữa cũng khó mà thấy được, anh Hiền nhặt một hòn đất ném mạnh. Giữa bãi sen xanh rì, một con chim nhỏ, không, một bông hoa đỏ rực, một đốm lửa, bỗng bay bổng lên cao. Nó không bay xa, chỉ một thoáng đã quay lại, đậu xuống chỗ cũ. Từ phút đó tôi biết là mình sẽ không bao giờ quên được con chim kỳ lạ này.
(…) bồng chanh chỉ là một con chim nhỏ bé, rất dễ lẫn với những bông hoa. Nhưng bọn trẻ chúng tôi chẳng đứa nào quên được sự có mặt của nó ở đây và dù nó luôn luôn khiêm tốn, ngủ gà ngủ vịt trong một góc đầm, chúng tôi vẫn nhìn thấy như thường.
Có một lần, dăm đứa vốn hay đi lang thang nhất làng đã ngồi trên bờ đầm tranh cãi với nhau mãi về nó.
- Tao cam đoan đây là một chú chả.
- Bồng chanh bồng quít gì cho nhiêu khê, cứ gọi nó là bói cá, mắt tao đã nhìn thấy nó lao xuống chộp mồi như một chú bói cá. Nó cứ đứng im như treo trên không trung rất lâu rồi vút một cái, cắm thẳng xuống nước.
- Bói cá hay chả thì lông phải xanh chứ sao lại đỏ?
Chẳng hiểu chúng nó còn phải gân cổ lên với nhau như vậy đến bao giờ nếu lúc đó anh tôi không kịp thời xuất hiện để đứng ra phân giải:
- Bồng chanh, bói cá đều thuộc họ chả. Nó làm tổ trong lòng đất. Chỗ gốc vối đằng kia nhất định phải có tổ của nó. Hai vợ chồng bồng chanh thay nhau một con đi kiếm ăn, một con ở nhà. Chúng đẻ trứng vào mùa xuân, sang mùa hạ thì chim non đã lớn và bắt đầu đi kiếm ăn một mình. Chúng sống thành từng đôi một, rất đầm ấm và chuyên cần. Các cậu nhìn, kia là con vợ đang chờ chồng mang mồi về mớm cho con.
Thật là tài tình, vừa hay khi chúng tôi quay ra nhìn theo tay anh Hiền chỉ thì một chú bồng chanh thứ hai, cũng đỏ rực như một ngọn lửa, từ đâu đã bay về. Nó đậu trên cành vối, cái mỏ ngậm mồi quay ngang quay ngửa như đang tỏ ra e ngại trước sự có mặt của chúng tôi. Không một tiếng kêu, bồng chanh vợ vội bay từ dưới đầm lên đậu bên cạnh chồng. Chúng rù rì trao đổi với nhau vài lời gì đó, chắc là con vợ bảo:
- Nhà nó chớ có ngại, bọn kia từ làng ra tắm và tán gẫu đấy thôi.
Nghe lời vợ, anh chàng liền cất cánh bay bổng lên, làm một động tác giả để đánh lừa chúng tôi, xong sà sát mặt nước rồi mất hút sau đám lá sen. Chúng tôi đều biết thừa là nó đã chui tọt vào tổ rồi.
(…)
Bạn nhớ nhé, làng tôi nằm bên một đầm sen rộng, mùa hạ hoa nở bát ngát, làng có cổng làng, còn trong đầm thì có một con bồng chanh mình đỏ như lửa lúc nào cũng lim dim đôi mắt đậu trên một cọng sen khô (…)
Tháng 5 năm 1972
(Trích từ bài Bồng Chanh Ðỏ trong tập truyện ngắn Chuyện Mùa Hạ của Ðỗ Chu, nxb. Văn Học, 2010)
- HS xác định đúng chủ đề của truyện Bồng chanh đỏ.
- Chủ đề của truyện Bồng chanh đỏ là: cách ứng xử của con người với thiên nhiên; tình yêu thương và sự tôn trọng quyền sống tự do đối với loài vật….
- HS chỉ ra được các căn cứ để xác định chủ đề của truyện Bồng chanh đỏ.
+ Sự kiện: phát hiện chim bồng chanh, đi bắt giống chim quý, trả chim về tổ cũ, lén đi bắt chim một mình, mong ước cuộc sống yên ổn cho gia đình chim bằng chanh đỏ.
+ Nhân vật và mối quan hệ giữa nhân vật với hoàn cảnh và các nhân vật khác: chủ bé Hoài trong mối quan hệ với không gian làng quê, với đầm sen thơ mộng, nơi sinh sống của giống chim quý, mối quan hệ giữa Hoài với anh trai (người truyền cho cậu bé tình yêu, niềm say mê các giống chim quý hiếm), với những người xung quanh (lũ bạn cũng say mê chim bồng chanh).
+ Chi tiết và mối quan hệ giữa các chi tiết: nhan đề Bồng chanh đỏ và mối quan hệ giữa nhan đề này với một loạt các chi tiết như phát hiện ra chim bồng chanh, đi tìm bắt chim,
háo hức vì bắt được chim quý, thả chim về tổ cũ, lén bắt lại chim và thái độ, cách ứng xử của các nhân vật sau khi nhận thức được vấn đề (yêu thương, tôn trọng, bảo vệ, mong muốn điều tốt đẹp cho chim bồng chanh).
+ Điểm nhìn, ngôi kể, cách kể chuyện: nhân vật Hoài – một nhân vật trong truyện – kể lại câu chuyện của anh em minh. Ngôi kể thứ nhất này tạo nên cách nhìn chủ quan, nhiều cảm xúc, suy nghĩ và điểm nhìn trong sáng, chân thực của một chủ bé nông thôn tinh nghịch nhưng nhân hậu, biết nhận lỗi và sửa sai.
- HS xác định đúng thông điệp của truyện Bồng chanh đỏ.
HS đặt câu hỏi: Tác giả muốn nhắn gửi tới người đọc bức thông điệp gì về cách ứng xử của con người với loài vật?
Tác giả cũng muốn gửi gắm tới độc giả thông điệp: Hãy biết yêu thương, trân trọng và đừng làm tổn hại tới động vật, bởi chúng cũng giống con người, cũng biết đau, biết buồn, biết cả tổn thương.
- HS thực hiện việc viết đoạn văn phân tích chủ đề của truyện Bồng chanh đỏ.
Đoạn viết tham khảo: phân tích khía cạnh cách ứng xử của con người với thiên nhiên của chủ đề trong truyện.
Tôi yêu thích truyện Bồng chanh đỏ trước hết vì chủ đề truyện: cách ứng xử của con người với thiên nhiên. (2) Chủ đề ấy thể hiện qua sự việc tìm bắt chim bồng chanh. (2a) Mong muốn bắt chim bồng chanh đỏ của anh Hiền không bắt nguồn từ sự độc ác, mà trái lại, đến từ niềm đam mê, tình yêu của anh với loài chim quý hiếm này: (“) “Anh mê bồng chanh lắm, mê hơn tất cả những chú chim mà anh đã có trong lồng kia” (**) Với tình yêu và sự hiểu biết của anh Hiền, có lẽ anh sẽ biết cách chăm sóc, nuôi nấng chim bồng chanh đỏ. (*) Thế nhưng, qua bao khó khăn để bắt được, anh Hiền lại quyết định thả chú chim về tổ. Anh bảo: “Thôi tha cho vợ chồng nó, chúng nó còn có con nhỏ”. (**) Thì ra, tình yêu thiên nhiên không phải sự chiếm hữu, mà là tôn trọng thiên nhiên trong trạng thái vốn có. Cũng như con người, loài vật chỉ có thể hạnh phúc khi được sống tự do. Anh Hiền hiểu rằng cuộc sống bị giam cầm, dù được chăm sóc tốt thế nào, cũng là nỗi bất hạnh với chim.
Chủ đề cách ứng xử với thiên nhiên được tô đậm hơn qua những chuyển biến trong nhận thức của nhân vật Hoài. (2b) Ban đầu, Hoài chưa hiểu quyết định trả tự do cho chim bồng chanh đỏ, nên đã trách anh Hiền. (**) Lời nói của anh đã thức tỉnh Hoài, đồng thời thức tỉnh chúng ta những người đọc: (*) “Nếu có đứa nào phá rối nhà mày thì mày tính sao… Vậy thì mày có muốn đóng vai thằng ăn cướp đối với gia đình con bồng chanh không?” (**) Những lời nói ấy khiến Hoài nhận ra giữa thiên nhiên và con người luôn có sự tương quan, chim bồng chanh cũng mong muốn bảo vệ tổ ấm của nó, giống như con
người. Vì thế, những điều ta không muốn xảy đến với mình, ta đừng gây ra cho các loài vật. (*) Từ đó, Hoài “thương đôi bồng chanh bây giờ đã tha con đến một cánh đồng nào, ở một đầm nước xa lạ, chúng lại cùng nhau xây tổ để tránh mưa tránh nắng….(**) Tình thương ấy xuất phát từ lòng trắc ẩn và sự đồng cảm, dù muộn mằn. Vì hành động nhất thời của hai anh em, chim bồng chanh đã phải bỏ tổ để đi nơi khác. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta cần cẩn trọng khi ứng xử với thiên nhiên, vì bất kì hành động vô tâm nào cũng có thể gây ra những tổn thương đối với muôn loài. (*)
HỆ THỐNG CÁC BÀI TẬP LUYỆN VIẾT ĐOẠN VĂN PHÂN TÍCH CHỦ ĐỀ CỦA TÁC PHẨM VĂN HỌC
Bài tập số 1
Viết đoạn văn phân tích chủ đề của bài thơ Sang thu vủa tác giả Hữu Thỉnh.
Bỗng nhận ra hương ổi Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng Đã vơi dần cơn mưa Sấm cũng bớt bất ngờ Trên hàng cây đứng tuổi.
Hướng dẫn làm bài:
➢ Tiến trình các bước thực hiện đoạn viết:
Bước 1: HS nhận biết được chủ đề và gọi tên chủ đề. Bước 2: Chỉ ra một vài căn cứ để xác định chủ đề.
Bước 3: Phân tích làm rõ chủ đề.
Bước 4: Khái quát được giá trị, ý nghĩa của chủ đề.
- HS xác định đúng chủ đề của bài thơ Sang thu.
- Chủ đề của bài thơ sang thu là: Những chuyển biến của đất trời từ cuối hạ sang thu; những suy ngẫm của con người về dòng chảy cuộc đời và những trải nghiệm; những cảm
xúc, những rung động tâm hồn trước cảnh vật thiên nhiên trong những ngày cuối hạ sang thu giữa thời khói lửa.
- HS chỉ ra được các căn cứ để xác định chủ đề của bài thơ Sang thu.
- Qua các hình ảnh miêu tả những chuyển động của thiên nhiên trong bài thơ: hương ổi phả vào trong gió se, sương chùng chình, chim vội vã, đám mây vắt nửa mình, cơn mưa vơi dần.
- Qua các từ ngữ miêu tả những chuyển động của thiên nhiên trong bài thơ:
+ Bỗng: Ngạc nhiên, bâng khuâng.
+ Phả vào: hương thơm bốc mạnh tỏa ra thành luồng, chứ không thoang thoảng. Nhà thơ vừa thấy hương ổi, vừa cảm nhận được cái se lạnh của gió đầu thu.
+ Chùng chình: nhân hóa, có ý vừa nhởn nhơ, chậm chạp vương vất bên ngõ xóm đường làng.
+ Hình như: Mùa thu về chưa thật rõ ràng, thu về đột ngột nhưng thật nhẹ nhàng làm cho nhà thơ chưa dám tin, chưa dám chắc.
→ Đây đều là những hình ảnh miêu tả những chuyển động hết sức mơ hồ của thiên nhiên, tất cả đều chưa có gì rõ rệt mà đậm nét.
→ Qua cách miêu tả đó, em còn cảm nhận được sự tinh tế, nhạy cảm trong tâm hồn nhà thơ khi kết hợp nhiều giác quan như xúc giác, thính giác, thị giác,… để cảm nhận thiên nhiên; thấy được một tâm hồn vô cùng tinh tế, nhạy cảm của nhà thơ: một tâm hồn yêu thiên nhiên, hoà nhập cùng thiên nhiên.
- HS xác định đúng thông điệp của bài thơ Sang thu.
- Hãy yêu quý, trân trọng vẻ đẹp thiên nhiên.
- Tuổi đời và sự từng trải giúp ta bình thản trước bao sóng gió.
- Cần biết lắng nghe, cảm nhận thiên nhiên bằng tất cả các giác quan để đón nhận những món quà vô giá thiên nhiên.
- Thời gian chảy trôi, cùng với sự thay đổi của thời cuộc, con người cũng sẽ trưởng thành, không còn những bồng bột, sôi nổi và sự liều lĩnh của tuổi trẻ. Chúng ta sẽ biết lắng mình xuống để suy ngẫm và chiêm nghiệm, cũng sẽ không để những sóng gió cuộc đời quật ngã mỗi bước đi.
- HS thực hiện việc viết đoạn văn phân tích chủ đề
Bài tập số 2
Viết đoạn văn phân tích chủ đề của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá vủa tác giả Huy Cận.
Mặt trời xuống biển như hòn lửa, Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi, Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng, Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng. Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!
Thuyền ta lái gió với buồm trăng Lướt giữa mây cao với biển bằng, Ra đậu dặm xa dò bụng biển, Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng, Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé. Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao. Biển cho ta cá như lòng mẹ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông, Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.
Câu hát căng buồm với gió khơi, Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời. Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
Hồng Gai, 4-10-1958
Bài thơ này được viết năm 1958 nhân chuyến đi thực tế của tác giả ở Hồng Gai, in trong tập Trời mỗi ngày lại sáng (1958) và đăng trên Tạp chí Văn nghệ số 18 (tháng 11-1958).
➢ Tiến trình các bước thực hiện đoạn viết:
Bước 1: HS nhận biết được chủ đề và gọi tên chủ đề. Bước 2: Chỉ ra một vài căn cứ để xác định chủ đề.
Bước 3: Phân tích làm rõ chủ đề.
Bước 4: Khái quát được giá trị, ý nghĩa của chủ đề.
- HS xác định đúng chủ đề của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá.
– Chủ đề của bài thơ là: CHỦ ĐỀ VẺ ĐẸP CỦA CON NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG THỜI KÌ ĐỔI MỚI.
Bài thơ là khúc tráng ca ca ngợi ca ngợi những người ngư dân cần cù, chăm chỉ, ngày
đêm đánh bắt cá,làm giàu cho đất nước, ca ngợi cuộc sống lao động tập thể của người dân chài trong công cuộc xây dựng và tái thiết đất nước, đồng thời bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước khung cảnh thiên nhiên.
- HS chỉ ra được các căn cứ để xác định chủ đề của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá.
- Nhan đề ‘Đoàn thuyền đánh cá’ thể hiện vẻ đẹp của biển cả và nghề đánh cá, cũng như lòng hăng say lao động của người dân.
- Hình ảnh ‘đoàn thuyền’ thể hiện sự đoàn kết và khí thế lao động hăng say của nhân dân, tạo nên một bài ca lao động hùng vĩ. Tác giả chọn hình ảnh ‘đoàn thuyền’ thay vì ‘con thuyền’, đồng nghĩa với việc không chỉ có một mà nhiều chiếc thuyền ra khơi đánh bắt. Điều này thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh cộng đồng trong lao động của người Việt. Họ cùng nhau lao động để xây dựng cuộc sống mới. Với tiêu đề này, Huy Cận đã mở ra hình ảnh xuyên suốt tác phẩm và mạch cảm xúc của bài thơ. Bài thơ thể hiện niềm tự hào của nhà thơ về đất nước và cuộc sống qua hình ảnh đoàn thuyền đánh cá.
- Mạch cảm xúc của bài thơ được triển khai liên quan đến quá trình lao động trên biển của đoàn thuyền, từ khi ra khơi cho đến khi trở về.
- Trong bài Đoàn thuyền đánh cá có sử dụng nhiều từ “hát” cả bài thơ giống như một khúc tráng ca. Những câu thơ có từ “hát” trong bài:
- Câu hát căng buồm cùng gió khơi, đây là tiếng hát ra trận đầy niềm vui, sự phấn chấn và tin tưởng vào chuyến ra khơi đầy thắng lợi.
- Ta hát bài ca gọi cá vào → gợi sự thân thiết, niềm vui, phấn chấn yêu lao động, thể hiện niềm vui khí thế hăng say của người lao động
- Câu hát căng buồm với gió khơi, tiếng hát cuối cùng vang lên ” câu hát căng buồm với gió khơi” tiếng hát là một khúc ca khải hoàn của những con người chiến thắng trở về với những khoang thuyền đầy cá.
- Nhận xét:
+ Những câu hát đã theo suốt hành trình của người dân chài, câu hát mở đầu lúc ra khơi và khi trở về đoàn thuyền vẫn với khí thế vui tươi đó, khúc ca trở về với thành quả là khúc khải hoàn ca.
+ Âm điệu bài thơ như khúc hát say mê hào hứng với chữ “hát” lặp đi lặp lại 4 lần khiến bài thơ tựa như khúc ca lao động khỏe khoắn, vui nhộn.
- HS xác định đúng thông điệp của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá.
- Mối quan hệ giữa người và thiên nhiên thật hoà hợp.
- Niềm vui, sự hứng khởi của những người lao động trong thời kì đổi mới.
- Vai trò, tầm quan trọng và giá trị của biển đảo Tổ quốc. “Biển cho ta nhiều cá như lòng mẹ / Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”; biển đã hào phóng nuôi ta bằng tài nguyên phong phú như lòng mẹ đã nuôi ta từ tấm bé, bằng tình thương vô hạn.
- Mỗi người phải có ý thức về việc giữ gìn chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, tài nguyên biển đảo.
- HS thực hiện việc viết đoạn văn phân tích chủ đề
Bài tập số 3
Viết đoạn văn phân tích chủ đề của bài thơ Từ ấy của tác giả Tố Hữu.
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ Mặt trời chân lý chói qua tim Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
Tôi buộc lòng tôi với mọi người Để tình trang trải với trăm nơi Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời
Tôi đã là con của vạn nhà Là em của vạn kiếp phôi pha Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…
Tháng 7-1938
Bài thơ này được sử dụng trong chương trình SGK Ngữ văn 11 từ 2007.
➢ Tiến trình các bước thực hiện đoạn viết:
Bước 1: HS nhận biết được chủ đề và gọi tên chủ đề. Bước 2: Chỉ ra một vài căn cứ để xác định chủ đề.
Bước 3: Phân tích làm rõ chủ đề.
Bước 4: Khái quát được giá trị, ý nghĩa của chủ đề.
- HS xác định đúng chủ đề của bài thơ Từ ấy.
- Chủ đề của bài thơ là: tuyên ngôn về lẽ sống của người cộng sản khi gặp lí tưởng của Đảng.
- HS chỉ ra được các căn cứ để xác định chủ đề của bài thơ Từ ấy.
- Nhan đề của bài thơ là cụm từ Từ ấy bắt nguồn từ chủ đề của câu thơ trứ danh: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chói qua tim”.
- Nội dung của bài thơ: thể hiện tâm trạng của nhà thơ khi được đón nhận vào hàng ngũ những người đồng lòng với ý nghĩa cao cả.
- Mạch cảm xúc của bài thơ:
|
+
+ Nhận thức mới về lẽ sống | |
+ Sự thay đổi trong tình cảm |
+ “Từ ấy trong tôi nắng hạ”:
- “Từ ấy”: dấu mốc quan trọng trong cuộc đời tác giả.
- “Nắng hạ”: tia nắng rực rỡ, chiếu sáng và mạnh mẽ nhất trong năm. Thể hiện sức mạnh, tầm ảnh hưởng của lí tưởng cách mạng đối với cuộc sống của người chiến sĩ trẻ tuổi.
+ “Mặt trời chân lí chói qua tim”.
- “Ánh sáng chân lí”: làm bừng sáng vị thế và sức mạnh của Đảng, chứng minh tính bất diệt của lý tưởng cách mạng.
- Tính từ “chói” thể hiện ảnh hưởng mạnh mẽ của lý tưởng cách mạng đến trái tim và tâm hồn.
- Qua các biện pháp tu từ tinh tế đặc biệt là lối so sánh giàu ý nghĩa, ngôn ngữ tràn đầy nhịp điệu.
+ “Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim”:
- Sử dụng phép so sánh: tả sự tươi mới, sôi động của tâm hồn người chiến sĩ khi chạm vào lý tưởng cách mạng. Miêu tả hình ảnh hồn tôi như vườn hoa lá, với hương thơm và âm nhạc của tiếng chim, tạo nên bức tranh tinh tế về niềm vui và sự hạnh phúc khi theo đuổi lý tưởng cách mạng.
- Ý nghĩa: tạo nên bức tranh tinh tế về niềm vui và sự hạnh phúc khi
theo đuổi lý tưởng cách mạng.
+ “Tôi đã là con của vạn nhà/ Là em của vạn kiếp phôi pha/ Là anh của vạn đầu em nhỏ”
- Các hình ảnh bso sánh: “Kiếp phôi pha”, em nhỏ “cù bất cù bơ”: thể
hiện lòng đồng cảm, gắn bó, sẻ chia với những số phận khó khăn, đau thương.
- Ý nghĩa: thể hiện sự thay đổi to lớn về nhận thức và tình cảm của Tố Hữu là biểu hiện rõ ràng của sự giác ngộ hoàn toàn vào lý tưởng cách mạng.
- HS xác định đúng thông điệp của bài thơ Từ ấy.
+ Sự đồng cảm và chia sẻ: Tác giả mở lòng, sẵn lòng chia sẻ tình cảm, đồng cảm với mọi người. Đây là thông điệp về việc không chỉ sống với bản thân mà còn sống để kết nối và đồng hành với mọi người xung quanh.
+ Sự đa dạng và hòa nhập: Tâm hồn tác giả mở rộng ra như một vườn hoa lá, biểu hiện sự đa dạng và phong phú của cuộc sống. Việc hòa nhập và chấp nhận sự đa dạng trong cuộc sống được thể hiện qua việc anh/chị là “con của vạn nhà”, “em của vạn kiếp”, “anh của vạn đầu”.
+ Sự đồng nhất qua sự khác biệt: Tuy mỗi người có những cuộc đời, địa vị khác nhau, nhưng qua bài thơ, tác giả kết nối mọi người lại với nhau bằng tinh thần đồng nhất qua sự khác biệt. Không áo cơm, cù bất cù bơ, tất cả đều có thể kết nối với nhau thông qua tinh thần đồng cảm và chia sẻ.
- HS thực hiện việc viết đoạn văn phân tích chủ đề
Bài tập số 4
Viết đoạn văn phân tích chủ đề của bài thơ Nhớ con sông quê hương của tác giả Tế Hanh.
Quê hương tôi có con sông xanh biếc Nước gương trong soi tóc những hàng tre Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi? Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông Tôi giơ tay ôm nước vào lòng Sông mở nước ôm tôi vào dạ
Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển Vẫn trở về lưu luyến bên sông
Hình ảnh cô em đôi má ửng hồng…
Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền Nam” Tôi nhớ không nguôi ánh sáng màu vàng Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết… Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy, lòng tôi như suối tưới Quê hương ơi! lòng tôi cũng như sông Tình Bắc Nam chung chảy một dòng Không gành thác nào ngăn cản được Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương Tôi sẽ về sông nước của tình thương
6-1956
Bài thơ được sáng tác khi tác giả tập kết ra miền Bắc sau cuộc kháng chiến chống Pháp.
➢ Tiến trình các bước thực hiện đoạn viết:
Bước 1: HS nhận biết được chủ đề và gọi tên chủ đề. Bước 2: Chỉ ra một vài căn cứ để xác định chủ đề.
Bước 3: Phân tích làm rõ chủ đề.
Bước 4: Khái quát được giá trị, ý nghĩa của chủ đề.
- HS xác định đúng chủ đề của bài thơ Nhớ con sông quê hương.
- Chủ đề của bài thơ là: sự ca ngợi về vẻ đẹp của con sông quê vô cùng bình dị và chân thật trong tâm tưởng của nhà thơ – đẹp hiền hòa, êm dịu; đồng thời bày tỏ tình cảm gắn bó với quê hương của tác giả.
- HS chỉ ra được các căn cứ để xác định chủ đề của bài thơ Nhớ con sông quê hương.
- Chủ thể trữ tình của đoạn thơ: Chủ thể xưng “tôi”, “chúng tôi”. Đây là người đã và đang lưu giữ những tình cảm đặc biệt và kí ức gắn bó với con sông quê hưởng từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành và phải sống xa quê.
- Tình cảm, cảm xúc được tác giả Tế Hanh thể hiện trong bài thơ là: tình cảm yêu mến và niềm thương nhớ quê hương qua hình ảnh con sông của một người con xa quê.
- Những tình cảm, cảm xúc ấy được thể hiện qua những hình ảnh cùng các từ ngữ miêu tả, gợi nhắc kỷ niệm nhớ thương, trìu mến, thiết tha về con sông qua những câu thơ chứa chan cảm xúc. Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre. Con sông được miêu tả với màu xanh biếc và nước gương trong soi tóc những hàng tre, tạo nên một cảnh quan thanh bình và đẹp mắt. Bên cạnh đó, nhà thơ cũng miêu tả sự đa dạng của cuộc sống bên sông, từ người chài lưới, người cuốc cày đến những người đi kháng chiến. Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông/ Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
- Qua những câu thơ chứa chan cảm xúc “Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!”; “Tôi giơ tay ôm nước vào lòng! “Sông mở nước ôm tôi vào dạ”.
- Giọng thơ sôi nổi, đan xen những xúc cảm hoài niệm, hồi tưởng nhà thơ đã mang tới cho độc giả một bức tranh sông quê vừa chân thực lại vô cùng sống động.
- HS xác định đúng thông điệp của bài thơ Nhớ con sông quê hương.
- Bài thơ là bức thông điệp về tình yêu sâu đậm và nỗi nhớ da diết dành cho quê hương. Con sông quê không chỉ là dòng nước mát lành mà còn là nơi lưu giữ kỷ niệm tuổi thơ, nơi gắn bó với những tháng ngày êm đềm và hạnh phúc. Qua hình ảnh con sông, Tế Hanh thể hiện lòng biết ơn, niềm tự hào và sự gắn bó không thể tách rời với quê hương.
- Hãy luôn trân trọng, yêu quý vẻ đẹp bình dị của quê hương mình.
- Quê hương có giá trị vô cùng to lớn đối với đời sống của mỗi người. Đó là nơi chúng ta sinh ra và lớn lên, nơi chứa đựng những kỷ niệm đẹp đẽ và êm đềm của tuổi thơ. Quê hương không chỉ cung cấp nguồn dưỡng chất về vật chất mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nên bản sắc và giá trị văn hóa của mỗi cá nhân….
- HS thực hiện việc viết đoạn văn phân tích chủ đề
Bài tập số 5
Viết đoạn văn phân tích chủ đề của bài thơ Chợ Tết của tác giả Đoàn Văn Cừ.
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi, Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh, Trên con đường viền trắng mép đồi xanh, Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc; Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon, Vài cụ già chống gậy bước lom khom, Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ, Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa, Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa, Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh, Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh. Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.
Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ, Để lắng nghe người khách nói bô bô. Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,
Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán. Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản, Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân. Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm, Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ. Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau. Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu, Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu. Áo cụ lý bị người chen sấn kéo,
Khăn trên đầu đang chít cũng bung ra. Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà, Quên cả chị bên đường đang đứng gọi. Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi, Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa. Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha.
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết, Con gà trống mào thâm như cục tiết, Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.
Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm, Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh, Trên con đường đi các làng hẻo lánh, Những người quê lũ lượt trở ra về.
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê, Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.
1939
Bài thơ đăng lần đầu trên báo Ngày nay.
➢ Tiến trình các bước thực hiện đoạn viết:
Bước 1: HS nhận biết được chủ đề và gọi tên chủ đề. Bước 2: Chỉ ra một vài căn cứ để xác định chủ đề.
Bước 3: Phân tích làm rõ chủ đề.
Bước 4: Khái quát được giá trị, ý nghĩa của chủ đề.
- HS xác định đúng chủ đề của bài thơ Chợ Tết.
- Chủ đề của bài thơ là: chủ đề quê hương với cảnh thiên nhiên, sinh hoạt ở nông thôn.
- HS chỉ ra được các căn cứ để xác định chủ đề của bài thơ Chợ Tết.
- Nhan đề: Chợ Tết là gương mặt tinh thần, là nét văn hóa, là điệu hồn riêng của Tết dân tộc lắng đọng từ ngàn đời nay.
- Nội dung của bài thơ: Bài thơ là một bức tranh chợ Tết miền trung du giàu màu sắc và vô vùng sinh động. Người đi chợ Tết ai cũng vui vẻ, từ cụ già cho tới các cô thiếu nữ, trẻ con, người mua kẻ bán tấp nập trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp đậm sắc xuân. -> Qua bức tranh phiên chợ Tết ta thấy được cảnh sinh hoạt nhộn nhịp, cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc của người dân quê.
- Các từ ngữ đã tạo nên bức tranh giàu màu sắc về chợ Tết: trắng, đỏ, hồng lam, xanh biếc, thắm, vàng, tía, xanh, son. Tạo nên bức tranh chợ Tết vùng trung du giàu màu sắc và sinh động.
- Các biện pháp nghệ thuật đã tạo nên bức tranh sinh động, tươi tắn, có hồn và rực rỡ đầy sức sống của thiên nhiên, gợi được cả cái náo nức, vui vẻ của thiên nhiên trong buổi sáng mùa xuân tươi đẹp.
So sánh: Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa
Hiệu quả: Sương trắng so sánh với giọt sữa.
+ Tạo sự sinh động cho hình ảnh.
+ Nhấn mạnh dáng vẻ, sự ngọt ngào, thơm mát, tinh khiết… của giọt sương ban mai.
- Nhân hóa: Tia nắng “nháy”, “ núi uốn mình”, trong chiếc “ áo the xanh”, “ đồi thoa son” –“nằm”: Cảnh vật vô tri trở nên sống động như con người: tia nắng như đứa trẻ tinh nghịch, reo vui, núi đồi như cô thiếu nữ đang trang điểm, làm duyên, làm dáng muốn hoà vào dòng người đi chợ tết.
- Ẩn dụ: “chiếc áo the xanh”: ngầm thể hiện sắc màu của cỏ cây hoa lá mọc trên núi, gợi sức sống tràn trề của mùa xuân.
- …..
- HS xác định đúng thông điệp của bài thơ Chợ Tết.
- Qua việc miêu tả bức tranh chợ Tết miền trung du giàu màu sắc và vô vùng sinh động , nhà thơ đã gửi gắm về việc phải lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của đất nước.
- Bức tranh dân gian “Chợ Tết” được tác giả mô tả rất sinh động, mang lại cảm giác thân thuộc và ấm áp. Thông điệp chính của bài thơ là về sự hòa mình vào không khí rộn ràng, sum vầy của người dân trong những ngày cuối năm, qua đó thể hiện tình yêu thương và lòng hiếu khách của con người Việt Nam.
- HS thực hiện việc viết đoạn văn phân tích chủ đề